Doanh nghiệp SME nên chuyển đổi số từ việc nhỏ nhất

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nên chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhất chứ không cần làm những vấn đề to tát.
Ông Võ Sơn Điền, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Lê Quân

Đây là khuyến nghị của ông Trần Quý, Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam tại hội thảo chuyển đổi số – hướng đi tất yếu của doanh nghiệp được tổ chức ngày 30/7 tại Bình Dương. Hội thảo do Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp SME trên địa bàn Bình Dương tiếp cận với các nền tảng chuyển đổi số.

Tại hội thảo, ông Võ Sơn Điền, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương cho biết, chuyển đổi số là hướng đi tất yếu không thể nào thay đổi, nếu không chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ bị đào thải khỏi hệ sinh thái này. Ông cho rằng hiện nay các gói chuyển đổi số rất phong phú, với chi phí nhỏ doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận chuyển đổi số. Quan trọng là cách làm như thế nào cho phù hợp với doanh nghiệp, chứ không thể chuyển đổi hoàn toàn giống như choàng một chiếc áo quá rộng vào người.

“Tôi chắc chắc một điều rằng chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ quản trị hiệu quả hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh hơn, giải phóng được thời gian cho người đứng đầu, các phòng ban làm việc bài bản hơn, nâng cao sự cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn hơn” ông Điền nhấn mạnh.

Tại hội thảo nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến chuyển đổi số như chuyển đổi số phải đầu tư những gì, bao nhiêu tiền, khi nào hoàn vốn, khi làm doanh nghiệp bắt đầu từ đâu, bằng cách nào…

Trả lời vấn đề doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, ông Trần Quý, Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp thường cho rằng chuyển đổi số là bắt đầu từ đầu tư công nghệ nhưng không hẳn là vậy, mà chuyển đổi số ở đây là phải thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến toàn bộ nhân viên bắt buộc tham gia xu thế không thể đảo ngược.

Ông Quý dẫn số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) với hơn 400 doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2020 thì có đến 55,6% doanh nghiệp cho biết chi phí ứng dụng công nghệ số cao, tiếp đến là thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số chiếm 38,9%; sợ rò rỉ dữ liệu của doanh nghiệp chiếm 33,9%…

Từ số liệu khảo sát cho thấy, vấn đề lớn nhất với doanh nghiệp SME khi chuyển đổi số là chi phí lớn. Do vậy, ông Trần Quý khuyến nghị, doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chuyển đổi từ những vấn đề nhỏ nhất chứ không cần to tát. Ví dụ như thay thế các kiểu mô hình kinh doanh truyền thống, tạo ra các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số, thay đổi phương thức làm việc email, zalo, giấy tờ … bằng phần mềm quản trị.

“Thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số. Dù chưa có thống kê doanh nghiệp sẽ chết nếu không chuyển đổi số nhưng số liệu thống kê cho thấy doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng công nghệ số để vận hành đã giúp tăng doanh thu đến 34%” ông Quý nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam cho rằng, đây là thời cơ vàng để chuyển đổi số vì hiện tại chuyển đổi số đang nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và các hiệp hội trong nước. Bên cạnh đó, các giải pháp nền tảng chuyển đổi số hiện tại rất đa dạng, phong phú, doanh nghiệp nhỏ và vừa linh động, dễ thích ứng hơn các doanh nghiệp lớn. Nếu doanh nghiệp không chớp cơ hội thì thời cơ sẽ chuyển sang doanh nghiệp khác, khi đó doanh nghiệp sẽ tụt hậu phía sau hoặc phá sản.

Để hỗ trợ doanh nghiệp SME, trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ cam kết đồng hành về chuyển đổi số của VNPT Bình Dương với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo biên bản ghi nhớ, VNPT Bình Dương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nền tảng chuyển đổi số như chữ ký số; giao dịch điện tử, quét mã thanh toán không dùng tiền mặt…

31/07/2022 09:33

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-sme-nen-chuyen-doi-so-tu-viec-nho-nhat-post302733.html

    GỬI THÔNG TIN ỨNG TUYỂN

    Vui lòng điền đầy đủ thông tin dưới đây

    Block "blog" not found

    Phone