Kích hoạt bước ngoặt chuyển đổi số (phần 2)

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia về chuyển đổi số, chính thức khởi động mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia như một cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Việt Nam coi các nền tảng số là cách để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, coi an ninh mạng là yếu tố chính để tạo ra niềm tin số, coi cải cách thể chế là yếu tố quyết định cho chuyển đổi số. Hạ tầng số với các sản phẩm và nền tảng số “Make in Vietnam” đã sẵn sàng cho kinh tế số và xã hội số, sẵn sàng cho một Việt Nam số. Công nghệ Việt không chỉ giải các bài toán Việt Nam mà còn góp phần giải các bài toán toàn cầu.

Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam:

Mặt trái lớn nhất của chuyển đổi số, số hóa đó là doanh nghiệp phải phụ thuộc, thậm chí lệ thuộc vào công nghệ mà không làm chủ nó. Bên cạnh đó, nếu sự sẵn sàng của các giải pháp công nghệ không liên tục sẽ ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ đặt ra thách thức về đảm bảo an toàn thông tin. Khi doanh nghiệp số hóa và chuyển đổi số thì nguy cơ tấn công, mất mát thông tin doanh nghiệp sẽ cao hơn phương pháp truyền thống… Những mặt trái này là rất đáng lo ngại trong chuyển đổi số. Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đang bị tấn công dữ dội và lấy cắp thông tin dữ liệu.

Nếu nói chuyển đổi số thành công là không hoàn toàn đúng mà chỉ có thể nói là thực hiện một số dự án thành công trong tiến trình chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi số cũng không có đích rõ ràng để nói thành công. Với các dự án chuyển đổi số thất bại đến từ rất nhiều lý do trong đó có sự quan tâm, sát sao theo dõi, quản lý của lãnh đạo cũng như sự sẵn sàng về nguồn lực, lựa chọn công nghệ…

Không có một công thức để so sánh mức độ thiệt hại giữa triển khai dự án chuyển đổi số thất bại với việc không triển khai số hóa. Chỉ có điều, nếu không làm thì doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu, còn khi làm có nguy cơ bị thất bại nhưng doanh nghiệp sẽ có cách để làm lại. Do đó, tôi cho rằng, những dự án nào chưa thực sự bắt buộc, chưa đến mức phải làm lớn hoặc chưa chắc chắn thành công thì doanh nghiệp nên bắt đầu với quy mô nhỏ hơn.

Ông Nguyễn Duy Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty Smartlog:

Nhận thức của các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn theo phong trào. Bên cạnh đó, chuyển đổi số hiện nay vẫn còn diễn ra manh mún, chưa có kiến trúc tổng thể cho một hệ thống. Lúc này thấy phần mềm này hay mua về dùng, mai thấy phần mềm khác hay lại mua nên kết quả là 2 phần mềm không “nói chuyện” được với nhau. Do đó, quy hoạch chuyển đổi số doanh nghiệp cần có sự tổng thể và cần có sự tư vấn của các đơn vị.

Ông Lương Minh Huân, Viện trưởng, Viện phát triển doanh nghiệp, VCCI:

Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm. Đổi mới tổ chức trên nền tảng văn hóa sáng tạo sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số, sẵn sàng thay đổi, từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức.

Ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VNG, CEO VNG CLOUD:

Việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp phải xuất phát từ việc giải bài toán nào của doanh nghiệp, để phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid và sự cạnh tranh gay gắt trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nước ngoài đang mở rộng hoạt động. Một trong những trăn trở lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là có những giải pháp chuyển đổi số toàn diện, tìm giải pháp để tiếp cận lượng khách hàng lớn hơn với chi phí thấp hơn, tiết kiệm chi phí vận hành.

Ông Đỗ Quang Vinh, Tổng Giám đốc Công ty IOTLink:

Hiện nay vẫn có doanh nghiệp Việt Nam còn ngần ngại trong chuyển đổi số, chưa hiểu hết những giá trị mà chuyển đổi số mang lại. Do đó, điều quan trọng với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ là phải cho các doanh nghiệp thấy rõ được hiệu quả, tiết kiệm chi phí khi ứng dụng công nghệ số để từ đó triển khai áp dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Người Việt cần sáng tạo và mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng, tạo ra các nền tảng công nghệ mới, cung cấp cho người dùng và các doanh nghiệp Việt, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng và phát triển xã hội số.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/kich-hoat-buoc-ngoat-chuyen-doi-so.htm

    GỬI THÔNG TIN ỨNG TUYỂN

    Vui lòng điền đầy đủ thông tin dưới đây

    Block "blog" not found

    Phone