Phong trào “Bình dân học vụ số” chính thức được phát động nhằm phổ cập kỹ năng số cho toàn dân, đặt nền móng cho chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước đi chiến lược trong quá trình xây dựng xã hội số, công dân số và quốc gia số tại Việt Nam.
Bình dân học vụ số: Xóa mù số để bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số
Vừa qua, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành chính thức phát động phong trào “Bình dân học vụ số”. Hoạt động nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh:
“Có bình dân học vụ số mới có công dân số toàn diện, mới có được quốc gia số, xã hội số. Điều này cho thấy ý nghĩa quan trọng và tính nhân văn sâu sắc của phong trào”.
Phong trào kế thừa tinh thần “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động 80 năm trước, giúp hàng triệu người dân biết đọc, biết viết sau Cách mạng Tháng Tám. Ngày nay, “Bình dân học vụ số” tiếp tục sứ mệnh xóa mù – nhưng là xóa mù số, tạo nền tảng tri thức số cho mọi tầng lớp nhân dân.
Ba nền tảng số hỗ trợ phong trào:
Phong trào được triển khai trên ba nền tảng trực tuyến:
- One Touch
- MobiEdu
- Bình dân học vụ số
Các nền tảng này đã hỗ trợ hơn 1,2 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đồng thời phổ cập kỹ năng số miễn phí cho hơn 40 triệu lượt người.
Mục tiêu và định hướng triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”
Để phong trào phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đưa ra định hướng gồm:
Một mục tiêu là phổ cập tri thức, kỹ năng số cơ bản cho mọi người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, bao trùm, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Hai phát huy gồm: Phát huy và huy động tổng thể, có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, của xã hội, của doanh nghiệp và của toàn dân; Phát huy truyền thống văn hóa, hiếu học, tinh thần học tập suốt đời, khát vọng vươn lên của con người Việt Nam.
Ba bảo đảm là: Bảo đảm các cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp để triển khai phong trào thiết thực, hiệu quả; Bảo đảm thông suốt về hạ tầng, tính đồng bộ, tính liên kết, tính linh hoạt, không hình thức, màu mè và đúng đối tượng; Bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường công khai minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Bốn nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Thứ nhất, xây dựng hệ sinh thái học tập số (phát triển nền tảng học tập số toàn dân, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn).
Thứ hai, xây dựng cơ chế khuyến khích và tạo động lực học tập (đưa kỹ năng số vào hệ thống đánh giá lao động, tuyển dụng; ưu đãi cho đối tượng yếu thế; khuyến khích doanh nghiệp tham gia).
Thứ ba, xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên số (phát triển đội ngũ giảng viên, tình nguyện viên số; huy động lực lượng đoàn viên, hội viên tham gia).
Thứ tư, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả (xây dựng cơ chế đánh giá; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; thực hiện giám sát độc lập từ tổ chức xã hội, báo chí và cộng đồng để bảo đảm tính minh bạch).
Hướng tới xã hội số toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau
Phong trào “Bình dân học vụ số” là bước khởi đầu quan trọng trong lộ trình phổ cập kỹ năng số, xây dựng công dân số và xã hội số toàn diện. Đây cũng là tiền đề để Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với công nghệ số làm nền tảng.
Thủ tướng chia sẻ tại lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số”. Ảnh: VGP/Nhất Bắc
Nguồn: vietnamnet.vn
Block "blog" not found