Kích hoạt bước ngoặt chuyển đổi số

Càng muốn tồn tại, doanh nghiệp càng cần chuyển đổi số

Đại dịch Covid-19 chính là thời cơ, là cú huých để triển khai chuyển đổi số, kích hoạt bước ngoặt cho kỷ nguyên kỹ thuật số. Trong bối cảnh Covid-19, càng muốn tồn tại, doanh nghiệp càng cần chuyển đổi số. 

Những người tồn tại là những người dám thay đổi và thích nghi nhanh nhất để vượt bão. Đây là cơ hội vàng cho các lãnh đạo doanh nghiệp tận dụng công nghệ thay đổi, tái cấu trúc mô hình kinh doanh để tồn tại, phát triển, tăng sức cạnh tranh và bứt phá trong tương lai.

Với hơn 11 triệu khách hàng tại Việt Nam, đội ngũ dịch vụ khách hàng trên toàn quốc, Home Credit trung bình một ngày phải tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi đến, đồng thời giải quyết khối lượng cuộc gọi đi không kém. Tuy nhiên, với một “nhân viên ảo” trực tổng đài thông minh với hai kịch bản phục vụ hai nhu cầu của hàng trăm nghìn khách hàng một cách tự động. Sau 6 tháng vận hành, một “nhân viên ảo” này có thể thực hiện hàng chục nghìn cuộc đàm thoại tự động mỗi ngày, hoàn thành hơn 90% yêu cầu của khách hàng về khoản vay, dịch vụ. Hệ thống tổng đài thông minh đang giúp doanh nghiệp tiếp cận và phục vụ lượng khách hàng lớn hơn trong cùng khoảng thời gian, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.

Hay câu chuyện về nâng cao trải nghiệm khách hàng của Ngân hàng MB. Để triển khai sản phẩm “Gia đình tôi yêu”, MB Bank tìm kiếm một giải pháp giúp tự động trích xuất dữ liệu từ hồ sơ đăng ký của thành viên một cách nhanh chóng và chính xác, giúp số hóa và đẩy nhanh quy trình nhập liệu mang lại nhiều tiện ích vượt trội cho người dùng. Với giải pháp FPT.AI Vision, khách hàng của MB Bank không cần phải đến quầy giao dịch trong khi vẫn đảm bảo cung cấp, cập nhật chính xác các thông tin cá nhân.

Với việc áp dụng thành công cảng điện tử ePort, khách hàng của Tân cảng Sài Gòn và hãng tàu đã tiết giảm các công đoạn di chuyển, nhận lệnh, quản lý giấy tờ thủ công; điện tử hóa quy trình làm việc, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ chứng từ giao nhận cũng như thanh toán. Cùng với đó đã giảm ách tắc giao thông khi sản lượng hàng hóa giao nhận tăng cao, giảm 2/3 số lượng nhân viên tại khu thủ tục.

Đó chỉ là một trong số ít minh chứng cho những lợi ích hiệu quả bứt phá mà công nghệ và chuyển đổi số mang lại cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

“KIM CHỈ NAM” ĐỊNH HƯỚNG CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ

Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam, với mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP vào năm 2030. Để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngay trong tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ, dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số, chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới – kinh tế số, xã hội số, Chính phủ điện tử. Đặc biệt, chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.

Theo Chỉ thị, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Vietnam” với hàm ý “doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới”.

Đặc biệt, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân…

Chương trình hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Chương trình nhấn mạnh quan điểm nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; đồng thời lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số. Bên cạnh vấn đề thể chế, công nghệ là động lực của chuyển đổi số. Sự phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả…

Chương trình cũng xác định 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số gồm: y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.

Các chuyên gia nhận xét, đây là một cú huých để Việt Nam có thể thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh hơn. Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng trong Hội nghị sơ kết công tác thông tin – truyền thông 6 tháng đầu năm 2020 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 cho rằng, nếu xét trên bình diện quốc gia, Việt Nam không đi sau thế giới nhiều, nằm trong số những nước tốp đầu Đông Nam Á có một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số thể hiện trong Quyết định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số quốc gia là xây dựng và phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

SẴN SÀNG CHO KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ

Năm 2020 là năm Việt Nam tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, là năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện. Bên cạnh thể chế, công nghệ được xác định là động lực để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số, một quốc gia thông minh.

Cùng với việc nhấn mạnh vai trò quan trọng nhất của nhận thức phải đi trước một bước, chương trình đã xác định việc phát triển và ra mắt các nền tảng số “Make in Vietnam” là giải pháp đột phá thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì Chương trình chuyển đổi số quốc gia trong đó nhấn mạnh nền tảng số là giải pháp góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, hiệu quả. Quyết định cũng giao Bộ Thông tin và truyền thông xác định các nền tảng số, đặc biệt các nền tảng số có thể hỗ trợ chuyển đổi số nhanh trong các ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch… Bộ Thông tin và truyền thông đã triển khai nhiều chương trình, như phát động chương trình “Make in Vietnam”, phát triển các nền tảng do Việt Nam làm chủ công nghệ.

Phát biểu tại Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2020 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia về chuyển đổi số, chính thức khởi động mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia như một cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Việt Nam coi các nền tảng số là cách để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, coi an ninh mạng là yếu tố chính để tạo ra niềm tin số, coi cải cách thể chế là yếu tố quyết định cho chuyển đổi số. Bộ trưởng cho rằng, hạ tầng số với các sản phẩm và nền tảng số “Make in Vietnam” đã sẵn sàng cho kinh tế số và xã hội số, sẵn sàng cho một Việt Nam số. Công nghệ Việt không chỉ giải các bài toán Việt Nam mà còn góp phần giải các bài toán toàn cầu.

Để tìm lời giải công nghệ cho những bài toán của doanh nghiệp, xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực, là đơn vị được giao chủ trì tổ chức thực hiện chương trình, từ trung tuần tháng 4/2020 đến nay, Bộ Thông tin và truyền thông đã liên tục giới thiệu hơn 30 nền tảng giải pháp công nghệ “Make in Vietnam” của các doanh nghiệp Việt .

COVID LÀ CÚ HUÝCH CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ

Nghiên cứu của Công ty tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey cho thấy, quá trình chuyển đổi số đáng lẽ cần 5 năm để áp dụng vào doanh nghiệp và người tiêu dùng thì nay chỉ mất 8 tuần nhờ cú huých từ đại dịch.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Covid-19, càng muốn tồn tại, doanh nghiệp càng cần chuyển đổi số. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech khẳng định, Covid-19 là cơ hội vàng cho các lãnh đạo doanh nghiệp tận dụng công nghệ thay đổi, tái cấu trúc mô hình kinh doanh để tồn tại và phát triển. Theo ông Bình, chuyển đổi số đem lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng sức cạnh tranh, có tốc độ bứt phá hơn so với các doanh nghiệp lớn nếu biết tận dụng. Minh chứng là công ty chuyên về truyền hình trực tuyến Zoom trong Covid đã vươn lên với giá trị thị trường bằng 7 doanh nghiệp hàng không lớn thế giới cộng lại.

Để đánh giá tác động của Covid đến hoạt động của doanh nghiệp và xu hướng ứng dụng chuyển đổi số, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, VCCI thông tin, khảo sát thực trạng chuyển đổi số của hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam cho thấy rõ, Covid đã tác động, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số. Các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức được việc ứng dụng công nghệ số. Gần 51% doanh nghiệp cho biết đã ứng dụng các công nghệ số trước khi có Covid. Có 25,7% doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng các công nghệ số từ khi có dịch và có ý định tiếp tục sử dụng. Đáng buồn là có đến hơn 20% số doanh nghiệp vẫn chưa ứng dụng công nghệ số, nhưng 17% khẳng định có quan tâm và có thể sẽ triển khai trong thời gian tới.

Trong số đó, doanh nghiệp lớn có mức độ quan tâm đến công nghệ số nhiều hơn, không cần phải chờ đến khi bùng phát dịch khi mà 65% đã ứng dụng công nghệ số từ trước, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ ở mức hơn 42%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã tăng tốc ứng dụng, dần bắt kịp kể từ khi có dịch Covid khi có tới 32% các doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu ứng dụng công nghệ số và sẽ tiếp tục ứng dụng, cao hơn hẳn các doanh nghiệp lớn.

Chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp vượt khó, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động, tăng tính cạnh tranh. Ông Huân cho biết, giảm chi phí là kỳ vọng lớn nhất của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số. Đa phần doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giảm thiểu chi phí (71,7%), giảm giấy tờ (61,4%), giảm tiếp xúc trực tiếp (53,5%), quản trị kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và xử lý sự cố nhanh hơn… Trong số này, các doanh nghiệp lớn kỳ vọng nhiều hơn trong ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, giấy tờ, giảm tiếp xúc trực tiếp, xử lý sự cố nhanh hơn…., còn doanh nghiệp nhỏ lại kì vọng nâng cao hiệu quả marketing/tìm kiếm khách hàng mới, quản trị kinh doanh hiệu quả…

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số từ doanh nghiệp, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển kinh doanh FPT cho rằng, ứng dụng các giải pháp công nghệ phù hợp và đồng bộ trong vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng không chỉ giúp giải quyết bài toán cấp bách do tác động của Covid-19 mà về lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp bứt phá, phát triển bền vững.

Theo khảo sát các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực do FPT thực hiện, các doanh nghiệp Việt Nam rất lạc quan, nhạy bén và chủ động, tích cực tìm giải pháp để kiến tạo hoạt động bình thường mới và vững vàng vượt khủng hoảng. Có tới 50% doanh nghiệp nhận định “trong nguy có cơ”, Covid-19 có thể thúc đẩy doanh nghiệp tạo nên một cục diện hoàn toàn khác cho bức tranh thị trường. Với việc đầu tư đồng bộ, vững chắc cho công nghệ, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tăng tốc tái cấu trúc, tối ưu năng suất, giảm chi phí, thời gian. Từ thực tiễn triển khai chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp tối ưu vận hành, cắt giảm đến 60% chi phí, tiết kiệm 30-70%, thậm chí tới 90% thời gian ở một số quy trình so với trước khi số hoá.

Chuyển đổi số mang lại lợi ích to lớn nhưng trong thực tế triển khai, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, rào cản. Viện phát triển doanh nghiệp VCCI cho biết, hơn một nửa số doanh nghiệp cho rằng chi phí ứng dụng công nghệ số còn cao (56%). Cùng với đó là các yếu tố thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, sợ rò rỉ dữ liệu thông tin cá nhân/doanh nghiệp, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thiếu thông tin về công nghệ số…

Covid-19 là cú huých để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số, yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/kich-hoat-buoc-ngoat-chuyen-doi-so.htm

    GỬI THÔNG TIN ỨNG TUYỂN

    Vui lòng điền đầy đủ thông tin dưới đây

    Block "blog" not found

    Phone